Nó cứ ngồi đó, trên bậc thềm cửa, di di ngón chân xuống nền sân gạch trong cái gió mùa đông bắc lạnh lẽo của tháng giêng và cố lắng nghe từng tiếng thở nặng nhọc của anh nó đang nằm trong nhà, sau tấm mành tre. Anh nó đã nằm đó từ gần một tháng nay rồi, kể từ hôm mẹ đưa anh về từ bệnh viện trên chiếc xe com măng ca mà bố nó đã chật vật mượn của cơ quan. Hôm đó mẹ không vui như những bận trước đón anh từ bệnh viện về, mẹ chỉ bảo sắp Tết rồi đón anh về cho ấm cúng, chứ ăn Tết ở bệnh viện lạnh lẽo lắm. Nó thì rất vui, anh về nghĩa là hai chị em nó không phải tẩn mẩn tuốt những lá ngót ở mấy khóm trồng ven tường để nấu canh nữa. Lâu nay trời lạnh rau muống, rau mùng tơi, rau dền còi cọc chẳng lên nổi, chỉ có những khóm ngót là vẫn đâm chồi, vẫn đều đặn cung cấp cho chị em nó chút vitamin cho bữa cơm. Anh về, nghĩa là sau bữa cơm tối nó lại chạy tung tăng chơi ngoài xóm và chị Liên hàng xóm sẽ gọi chị em lại hỏi có thích ăn khoai nướng và nghe chị kể chuyện Mùa lá rụng trong vườn không, để sau đó chị sẽ làm như tình cờ chợt hỏi thế đợt này anh về được bao lâu, anh có khoẻ ra nhiều không. Anh về, nghĩa là anh sẽ lại ngồi quấn pháo, cả pháo tép lẫn pháo đùng kết thành một bánh thật dài, để đêm 30 thả từ mái nhà xuống mà đốt, để hôm sau nó với thằng Hậu hàng xóm lại được phen tranh cãi xem hôm qua pháo nhà ai nổ to hơn, đanh hơn và tìm xem pháo nhà bị xịt nhiều hơn.
Nhưng năm nay anh không quấn pháo, không đi chơi, chỉ nằm đó. Mùng Một Tết anh chỉ diện bộ quần bò áo phông Thái mà chú Hùng chiều anh đã chở ra tận Chợ Trời ngoài Hà Nội mua, đi chơi một lát rồi lại về nhà nằm. Cả nhà cũng không ai muốn đi đâu chơi, bóng bố mẹ ra vào lặng lẽ, hai chị em nó cũng lặng lẽ chơi trong chái nhà vắt thêm thành căn phòng cho ba chị em nó từ hồi chị cả còn chưa đi lấy chồng. Bé Trang thỉnh thoảng được mẹ cho đặt nằm cạnh cậu hình như cũng ít khóc hơn mọi khi, chỉ nằm đó lật bên này bên kia rồi huơ huơ đôi bàn tay bé xíu. Nhiều lúc nó tự hỏi sao anh nó cứ nằm mãi thế mà không thấy khó chịu, nó mà buổi trưa bị bắt ngủ thì khó chịu lắm, cứ phải quăng cái người hết từ phải qua trái lại từ trái qua phải.
Nghe tiếng anh ho khan trong nhà nó vội chạy vào mang cho anh cốc nước rồi ngồi xuống vuốt tóc cho anh. Anh nó thích được vuốt tóc mỗi khi anh mệt, cứ vuốt từ mái ngược lên trên. Nó giật mình thấy mỗi lần vuốt, trong kẽ tay nó lại đọng một vài sợi tóc. Nhớ có lần trong bệnh viện anh hỏi mẹ „rồi tóc con cũng rụng hết như vậy phải không“ khi thấy chị Cúc cùng phòng trùm chiếc khăn che kín đầu. Nó cứ vuốt mãi, vuốt mãi cho đến khi anh lại chìm vào giấc ngủ thì nó đứng dậy, vén lại màn rồi đi ra ngoài. Không phải nó sợ anh. Không, nó không sợ anh chút nào cả, dù đôi lúc anh cũng mắng hai chị em nó đấy, như có lần anh giảng bài về nước Âu Lạc đến khi hỏi lại chị không trả lời được anh quát luôn „thế Âu Lạc là gì, dễ là cái lọ lạc chắc?“. Nhưng nó sợ cái không khí ảm đạm trong căn phòng, trong cả căn nhà ngói ba gian với cái chái vắt thêm đó. Phòng anh nằm có hai cửa sổ, một cửa chính nhưng anh sợ ánh nắng, sợ ruồi nên cả hai cửa sổ đều đóng kín, cửa chính thì được phủ mành cả ngày lẫn đêm. Hồi anh còn chưa bệnh nặng, chị cả còn chưa đi lấy chồng, nó thích nhất được ngồi trên bậc cửa sổ thò chân ra ngoài trêu chị gái đang ngồi với bạn trên chiếc chõng mẹ kê ở ngoài sân để dành cho chị chút riêng tư mỗi khi có bạn trai tới chơi. Hoặc nó ngồi học ở chiếc bàn kê gần cửa sổ nhìn ra lối đi tới nhà vệ sinh mà tưởng tượng ngày mai nó sẽ ngồi chơi đồ hàng trên nền xi măng mát rượi như đá xanh đó mà nấu phở, nấu miến với những sợi tơ hồng và hoa dâm bụt hái được bên rào nhà hàng xóm. Nhưng giờ các cửa sổ đều đóng kín cả, căn phòng kín bưng và tối như trong cái chái vắt ra cạnh nhà, ánh sáng không sao lọt qua nổi những ô vuông nhỏ trên tường, càng không thể vượt qua nổi những khe li ti của tấm manh tre.
Mùa đông năm đó trời lạnh hơn mọi năm thì phải, cả nhà có ba con gà nuôi lấy trứng bồi dưỡng cho anh thì chết mất hai. Cây táo mọi năm sai là vậy năm nay cũng không chịu ra quả. Cành đào bố mới mua hôm tiễn ông Táo mà tới mùng 2 Tết đã phải mang bỏ. Mẹ lẩy câu Kiều „người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“ mà hai mắt ngấn nước. Anh nằm nghe vở cải lương „Mùa thu lá bay“ mà cứ mỗi khi sắp tới đoạn mẹ cô Hà Mi khóc „lá vàng còn ở trên cao, mà sao lá xanh đã rụng đớn đau phận già“ lại cố tua thật nhanh để không phải nghe thấy tiếng mẹ nén khóc.
Đêm đó trong giấc ngủ trằn trọc với những giấc mơ đứt đoạn, nó nghe tiếng mẹ khóc rồi cả tiếng bố khóc nữa. Nó chưa từng nghe bố nó khóc bao giờ cả, hoặc ít ra là nó không nhớ đã có lần nào nghe bố khóc như vậy chưa. Hay là nó vẫn đang mơ nhỉ? Tiếng khóc mỗi lúc một rõ hơn, nó đi ra phòng ngoài, thấy mẹ đang ngồi trên giường ôm anh và khóc. Bố thì đứng dựa vào tường như thể đôi chân của ông không thể nâng đỡ sức nặng của cơ thể được nữa. Nó đứng đó, không biết cần phải làm gì. Anh đang ngủ hay anh đã thức? Hay là anh sẽ ngủ và ngủ mãi như có lần bà ngoại lên chơi đã nói? Chị nó cũng đã thức giấc và ra ngồi cạnh mẹ. Bố bảo thôi hai chị em mặc quần áo vào rồi đạp xe sang nhà bác Tiến báo cho chị cả biết tin.
Hai chị em nó lặng lẽ đạp xe đi, không ai nói với ai tiếng nào. Gió lạnh, những đám mây đen vần vũ nhưng phía Đông mặt trời cũng đã bắt đầu ló ra đỏ ối cả chân trời. Tới nhà bác Tiến, nó đứng trông xe cho chị nó vào báo tin, nó không biết chị nó đã nói gì chỉ thấy bác ôm lấy chị nó và cũng khóc. Hai chị em lại đạp xe về, vẫn không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng gió thổi bên tai.
Về tới nơi đã thấy hàng xóm tới đầy nhà, nó nghe tiếng bác Hồng quát mẹ nó „cô đừng có khóc nữa, nước mắt nhỏ hết vào nó rồi đấy“. Ngó thấy hai chị em nó ngơ ngác bác quát luôn „cả hai đứa mày nhé, chưa được khóc đâu đấy, bao giờ cho anh vào quan mới được khóc!“. Nó không hiểu sao người lớn lại phải kỳ quặc vậy, tại sao lại không được khóc khi người ta muốn khóc? Tại sao lại phải chờ tới một giờ nào đó mới được khóc? Chẳng làm sao chen chân qua vào được với mẹ, với anh, khi mà mẹ đang được bao phủ bởi rất nhiều vòng tay an ủi. Nó bỏ ra ngoài vườn. Mỗi khi không biết phải làm gì nó lại thích được ra vườn, ngó đống vỏ trám mà hai chị em nó đã kỳ cạch chôn xuống vườn với hy vọng sẽ tạo thành một lối đi nhỏ khỏi lấm chân sau mỗi trận mưa, nhưng chưa bao giờ niềm hy vọng đó thành hiện thực bởi cứ chưa đủ vỏ trám trời đã lại đổ mưa, cái cuốn một lớp đất phủ lên chỗ vỏ trám đó. Nó thấy bác Thanh hàng xóm đứng thẫn thờ trước chuồng gà, nghe tiếng bước chân nó bác bảo: „bác định tìm xem có quả trứng gà nào luộc cúng cho anh, mà con gà mái đen nó đã chết tự bao giờ. Chắc phải từ hồi đêm, vì người nó đã lạnh cóng rồi này!“. Vậy là con gà cuối cùng trong số ba con gà vẫn hàng ngày thay nhau mang trứng cho anh cũng đã đi rồi. Trong vườn chẳng còn vật sống nào nữa! Mùa đông sao mà lạnh!
Sưu tầm