Thu Xà trước kia nằm trên đất làng Tiên Sà, tổng Nghĩa Hà, phủ Tư Nghĩa xưa vốn là khu phố cổ buôn bán sầm uất, tấp nập, chỉ đứng sau Hội An.
< Các em nhỏ thôn Thu Xà tập múa lân sư để chuẩn bị cho Tết Trung thu.
Dọc hai bên dòng sông Đào là phố xá, nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa và nghề làm lân sư rồng cũng ra đời từ đó. Vào những năm 1940, khi cửa biển hẹp dần, sông Đào bị bồi lấp, hoạt động buôn bán bị ngưng trệ, dòng người di cư lên phố cổ Hội An ngày càng nhiều nên nghề làm đầu lân ở đây cũng dần mai một bớt.
< Anh Nguyễn Đức Dân, 36 tuổi, tiến hành công đoạn gắn sừng cho đầu lân.
Vậy nhưng tết Trung thu gần kề và chuẩn bị cho những ngày tết cũng là lúc các gia đình làm đầu lân sư ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi trở nên tất bật.
< Gia đình anh Nguyễn Đức Toàn khẩn trương hoàn thiện đơn đặt hàng đầu lân sư mùa Trung thu tại nhà.
“So với Trung thu năm trước, số lượng đầu lân sư tiêu thụ mạnh và được ưa chuộng rộng rãi hơn”, anh Nguyễn Đức Toàn, thợ làm đầu lân sư có tiếng ở Nghĩa Hòa, cho biết. Thuở còn lên chín lên mười, anh Toàn đã học nghề từ bố - ông Nguyễn Tô, 74 tuổi, một người gốc phố cổ Thu Xà xưa. Thấm thoắt đã hơn 30 năm.
< Công đoạn lên khung sườn cho đầu lân sư.
Mùa Trung thu năm nay đại gia đình của anh được đặt hàng làm hơn 1.000 đầu lân sư để cung cấp cho các thị trường dọc các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
< Chọn lọc giấy báo cũ để đúc khuôn làm đầu lân.
Anh Toàn chia sẻ: thị hiếu chơi lân sư ngày càng đổi khác. Ngày xưa, đầu lân - sư tử quét sơn rất hút hàng nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ, mắt lân…
< Đầu lân sau khi đúc từ khuôn sẽ được đem phơi khô để tạo thành hình.
Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm đầu lân sư Nghĩa Hòa so với các tỉnh khác.
< Dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ.
Thông thường để hoàn thiện một chiếc đầu lân - sư tử phải mất 2-3 ngày với 4 công đoạn: đúc khuôn giấy hình đầu lân; dán giấy thiếc hay vải kim sa; trang trí các chi tiết như mắt lân, đường viền và cuối cùng trang trí lông vũ.
< Tranh thủ ngày cuối tuần, các em học sinh ở xã Nghĩa Hòa làm râu cho lân, sư tử để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Từ thực tế đó việc sản xuất đầu lân sư đã có một dây chuyền chuyên môn hóa với nhiều nhân công phụ trách từng công đoạn.
< Niềm vui với chiếc đầu lân mới.
Đa số nhân công ở Nghĩa Hòa còn rất trẻ (10-25 tuổi), làm theo thời vụ với mức tiền công dao động từ 500.000-3 triệu đồng/người. Theo thợ làm đầu lân sư Nguyễn Đức Dân (36 tuổi): “Thời gian cao điểm làm đầu lân sư bắt đầu từ tháng bảy âm lịch”. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 100.000-1,5 triệu đồng/đầu lân, sư tử.
Có thể nói sản phẩm đầu lân sư truyền thống ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi vào dịp Trung thu thật sự là một tín hiệu vui, bất chấp làn sóng đồ chơi Trung Quốc đang ồ ạt thâm nhập Việt Nam.
Du lịch, GO! - Theo TTO