Home » , , » Martin Yan nói về “ẩm thực dừa” Bến Tre

Martin Yan nói về “ẩm thực dừa” Bến Tre

Written By Unknown on Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012 | 19:02

Đầu bếp nổi tiếng Martin Yan vừa qua 15 ngày hành trình khám phá Việt Nam trong vai trò là người dẫn chương trình, đồng thời là nhân vật chính thực hiện những món ăn độc đáo của Việt Nam, được quay thành những tập phim để thông qua du lịch và ẩm thực, ông sẽ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

< Martin Yan vi vu bằng xe đạp tại Bến Tre.

Trước khi về Mỹ, ông Martin Yan đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Martin Yan nói: “Tôi không đi du lịch bình thường, ngay khi đặt bút ký hợp tác với công ty TNHH sản phẩm và dịch vụ truyền thông Điền Quân sản xuất chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”, tôi đã tự đặt cho mình một áp lực: mang trọng trách quảng bá những nét đẹp, điều hay và những món ăn đặc sắc của Việt Nam đến thế giới.

Mới qua đợt hành trình đầu tiên tôi đã có thể khẳng định tất cả cảnh quan đất nước, con người và ẩm thực Việt Nam đáng để thế giới phải biết đến”.

Trước khi đồng ý hợp tác với chương trình này, ông đã biết được ẩm thực của bao nhiêu vùng miền và nghĩ gì về ẩm thực Việt Nam?

Tôi đã tìm hiểu ẩm thực Việt Nam nhiều trước khi tham gia dự án này.

Tôi chuẩn bị khai trương nhà hàng ở San Francisco, tôi hy vọng sẽ giới thiệu một số món ăn Việt Nam tôi vừa học được.

Ông không ngại khi một đầu bếp chuyên nghiệp có danh tiếng lại vào nhà dân học nấu ăn?

Tôi là đầu bếp chuyên nghiệp, có nghĩa là đi đến đâu phải học hỏi đến đó. Mặc dù tôi được thuê và được trả công, nhưng với tôi dự án này không còn là làm thuê, mà trên đó là sứ mệnh và niềm đam mê. Các bạn thấy hiếm có người dẫn chương trình nào lăn xả như tôi. Tôi xuống những ruộng lúa đang vào mùa gặt, nông dân gặt thế nào tôi cũng làm như vậy. Có hôm dự kiến buổi sáng trời khô ráo, quay phim được, nhưng không ngờ trời đổ mưa, tôi vẫn đứng giữa đống bùn lầy, tiếp tục gặt lúa bởi vì tôi muốn chia sẻ những gì đẹp nhất, thật nhất về Việt Nam với bạn bè thế giới.

Ông học thêm những gia vị hoặc cách chế biến nào của người dân Việt Nam mà ông thấy thú vị?

Có lẽ vì tính chất vùng miền địa lý khác nhau đó, nên Việt Nam không chỉ có một loại gạo, mà có nhiều gạo đặc sản khác nhau, còn có nếp. Mỗi địa phương có sản vật đặc trưng và đương nhiên khẩu vị ẩm thực của người từng vùng miền cũng khác nhau. Bởi thế đi đến đâu tôi cũng nhìn thật kỹ, sau đó nếm thử để cảm nhận sự khác biệt. Khát vọng của tôi là tìm kiếm những cái mới. Nếu không như thế thì tôi chẳng thấy điều gì mới để giới thiệu.

Tôi cảm nhận sự khác biệt của ẩm thực Việt Nam chính là có quá nhiều gia vị tươi, chứ không phải gia vị chế biến mà nhiều nước và ở Mỹ có, như ớt tươi hái ngoài vườn, một số loại rau, củ, quả, lá cây có hương vị riêng và dùng tươi. Một số nguyên liệu tươi như hạt sen từ ao hồ, măng hái trong rừng, ở Mỹ chúng tôi toàn phải dùng hạt sen khô, măng khô. Điều đặc biệt nữa của ẩm thực Việt Nam là tính dinh dưỡng cao vì thịt, cá luôn kèm rau củ quả trong hầu hết món ăn.

Đến đồng bằng sông Cửu Long, tôi ấn tượng với dừa, đặc biệt ở Bến Tre. Tôi đã nấu ăn trong nhà dân với các món toàn được chế biến bằng dừa: cơm nấu trong trái dừa, gỏi củ hũ dừa, tép rang dừa, uống nước dừa. Người chủ nhà còn dạy tôi cách ương một trái dừa để lên cây dừa con thế nào. Tôi cũng đi xem người ta lấy dừa làm bánh tráng, kẹo dừa, làm chén, muỗng sử dụng trong bữa tiệc. Rất tuyệt! Tôi sẽ chia sẻ sự hứng thú, đam mê đó cho tất cả mọi người.

Với những gì đã trải nghiệm trong những ngày qua, theo ông, đã đủ để ông giới thiệu cho bất cứ ai về Việt Nam và họ có thể cảm thụ được?

Để quảng bá tốt nhất phải có nỗ lực của rất nhiều người, từ người dân, người làm du lịch và quan chức nhà nước. Ẩm thực Việt Nam quá phong phú, nhưng thử hỏi đã có ai cho du khách hiểu bánh phở làm từ gạo thế nào, nước nấu phở có gì đặc biệt. Đó mới là cách quảng bá Việt Nam qua ẩm thực. Du khách phải cảm nhận từ nguyên liệu làm nên món ăn, yêu thích món phở ngay khi họ nhìn thấy ruộng lúa. Sản xuất một chương trình để quảng bá du lịch kết hợp quảng bá ẩm thực Việt Nam là một nỗ lực đầu tiên giới thiệu đầy đủ về Việt Nam ra thế giới, tôi và các chuyên gia ẩm thực Việt Nam cũng đóng góp một phần trong nỗ lực đó.

Tôi đã đi nhiều, khi đến một nơi nào đó, ngoài quan tâm ẩm thực, tôi còn quan tâm con người và cảnh quan tự nhiên. Tôi nghĩ những du khách nước ngoài cũng như tôi, không đến Việt Nam để xem có bao nhiêu toà nhà cao tầng mới mọc lên hay những công trình hiện đại nào, mà họ tìm những gì đất nước họ không có, đó là cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, lối sống của người Việt Nam. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một chợ bán cả trâu như ở chợ Bắc Hà. Ở Sa Pa, người ta mua những con heo mọi rồi cắp nách về, gọi là lợn cắp nách. Vô cùng lạ đối với tôi.

Tôi dự định sang năm sau sẽ dẫn một đoàn khoảng 40 người gồm các chuyên gia ẩm thực Mỹ và những người bạn của tôi sang tìm hiểu về Việt Nam. Martin Yan sẽ nói với thế giới: “Hãy khám phá Việt Nam”. Còn với các bạn là người Việt Nam, nếu các bạn không làm mọi thứ bằng nhiệt huyết, sự đam mê thì các bạn sẽ không làm cho thế giới thấy Việt Nam tuyệt vời.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, ảnh Nguoibentre, Hamluongtourist, Zing...