Khác với nhiều ngôi chùa khác, Pôthi Somrôn mang đậm tính cộng đồng. Chính điện và các tháp cốt được xây dựng trong một diện tích khiêm tốn. Không gian lớn còn lại được dành cho sinh hoạt chung, như chuẩn bị cho các lễ hội, các hoạt động về văn nghệ, thể thao giải trí…
< Chính điện khá khiêm tốn trong quần thể chùa Pôthi Somrôn.
Hoà trộn kiến trúc Khmer – Ấn Độ
Nằm ngay cạnh quốc lộ 91, chùa Pôthi Somrôn tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã bước sang tuổi 277.
< Bên trong chánh điện chùa.
Vào thế kỷ thứ 18, chùa Pôthi Somrôn lần đầu được dựng bằng cây lá, đến năm 1856, chùa được xây dựng lại bằng các loại gỗ quý như căm xe, thao lao, cà chít và lợp ngói hình vảy cá – ảnh hưởng hai nền văn hoá Khmer và Ấn Độ. Gần 100 năm sau, ngôi chùa xuống cấp, hoà thượng Thạch Khiêng lúc bấy giờ trụ trì đã sang Phnom Penh mời kiến trúc sư Campuchia vẽ bản thiết kế mới về sửa sang chùa trên cơ sở giữ lại kiến trúc truyền thống. Hoàn tất năm 1952, ngôi chùa được xây dựng bằng gạch đá duy trì đến ngày nay.
Có thể nhận ra, chánh điện là công trình nổi bật trong quần thể kiến trúc chùa Pôthi Somrôn. Chánh điện được xây cao, có hành lang rộng bốn phía, được cho là lối bố trí nhìn ra bốn hướng vũ trụ theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo. Cửa chính quay hướng Đông vì người Khmer quan niệm Phật tuy ở Tây phương cực lạc, nhưng luôn hướng về Đông cứu độ chúng sinh.
Mái chánh điện có ba cấp chồng lên nhau, có hình rồng chạy dọc bờ mái, đuôi vươn thẳng lên trời. Bao bọc hành lang là các hàng cột với bốn cột gắn tượng chim thần Krud ngậm ngọc đan xen với các tiên nữ Kennâr. Các hoa văn kỷ hà và lục bình được chạm khắc tỉ mỉ trên tường, bậc thềm, chân cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường tạo nên một Pôthi Somrôn độc đáo đậm bản sắc văn hoá Khmer.
< Tháp thờ xá lợi Phật.
Các chùa Khmer đều có các tháp cốt mà mỗi dòng họ trong cộng đồng xây dựng để lưu trữ tro người thân khi họ qua đời. Tuy nhiên, hiếm chùa nào còn lưu giữ ngôi tháp hơn 200 năm tuổi như Pôthi Somrôn. Tháp ở trước chánh điện, được xây bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ từ thế kỷ 18, chứa hài cốt của nhiều phật tử, được gìn giữ qua nhiều đời. Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật như khoảng 100 bộ kinh Satra (sách lá), những cánh én bằng gỗ chạm trổ hình ảnh câu chuyện về Đức Phật Thích Ca từ năm 1856 và gần 20 tượng gỗ cũng từ thế kỷ 19 đến nay. Trải qua 13 đời hoà thượng trụ trì, trong chùa chỉ có di cốt của một, vì số còn lại đã hoàn tục trước khi viên tịch.
Ngôi nhà chung
< Tháp màu đen chứa hài cốt Phật tử được xây dựng cách nay hơn 200 năm bằng ô dước, đá ong, gạch.
Khác với những ngôi chùa theo phái Bắc tông, chùa Nam tông Pôthi Somrôn của người Khmer mang đậm tính cộng đồng, có không gian lớn dành cho sinh hoạt chung. Trai đường là khu nhà mà các tu sĩ trong chùa có thể dùng làm nơi ăn uống nhưng chức năng chính vẫn là để người dân có chỗ tụ tập sinh hoạt, thậm chí ngủ lại nếu ở nơi xa đến. Nhiều lúc, các tu sĩ tụng kinh trong chánh điện, nhưng người dân vẫn nhảy múa hát ca ngoài sân hoặc tại trai đường.
Chùa còn là nơi triển khai nhiều hoạt động xã hội, như vận động xây nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer, giúp sưu tầm các hiện vật quý... Không chỉ là thánh đường Phật pháp của đồng bào Khmer tại địa phương, nơi này cũng rất quen thuộc với người dân Tây Đô, khi nhiều sự kiện văn hoá, xã hội diễn ra, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vị hoà thượng tại đây cho biết, trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây từng đùm bọc, che chở nhiều thanh niên trốn quân dịch của chế độ cũ, cho họ tá túc và tu học thời gian dài.
< Cổng chùa mang nét đặc trưng của các ngôi chùa của đồng bào Khmer ở Nam bộ.
Đứng dưới gốc cây “vô ưu”, tương truyền được đem về từ Ấn Độ năm 1969 ở góc sân chùa, tôi cảm nhận một mùi hương thanh nhã nhẹ nhàng. “Phật tử Khmer coi mẹ và cha là quan trọng nhất, theo lời Đức Phật dạy. Vì vậy trong cuộc đời, con cái phải đối xử tốt và trả hiếu đấng sinh thành. Nam giới chúng tôi trước khi bước vào tuổi 21 sẽ dành thời gian vào chùa tu. Đó cũng là một cách báo hiếu cha mẹ của người Khmer”, một vị hoà thượng giải thích. Bước vào tháng 7 âm lịch, chùa đang có nhiều hoạt động cùng các Phật tử nhớ đến nhiệm vụ làm con của mình.
Đắm mình trong không khí trầm mặc khi đến chùa Pôthi Somrôn, khách có thời gian tĩnh lặng, vừa được chiêm ngắm kiến trúc độc đáo và cảm nhận cuộc sống gần gũi giữa nhà chùa với cộng đồng. Và tôi cũng cảm thấy chạnh lòng bởi tất cả các kiến trúc, chỉ còn lại một tháp đựng di cốt được giữ nguyên nét rêu phong của thời gian. Còn lại là màu vàng, màu đỏ… được phủ lên các công trình trong chùa làm bật vẻ sặc sỡ giữa một không gian xanh cạnh vàm Ô Môn, sau khi trùng tu và được chứng nhận là di tích cấp quốc gia.
Du lịch, GO! - Theo Kim Dung (SGTT), internet