Nước không tràn đồng. Nhưng không vì thế mà chuyến du ngoạn ngược dòng sông Hậu bớt đi thú vị và những khoảnh khắc nao lòng...
Đến hơn 10g tối chuyến bay mới cất cánh từ Nội Bài. Chúng tôi đành bỏ lỡ chuyến xe ca nửa đêm Sài Gòn - Châu Đốc.
Đón xe đi Rạch Giá rồi xuống ngang đường ở ngã ba Lộ Tẻ, đón xe qua Long Xuyên. Sáng mai cuối tuần lộng gió và đầy nắng, chiếc xe sớm chậm chạp chạy ngược dòng sông Hậu, đôi lúc dừng lại đón khách - những cư dân miền Tây mặt hiền khô đang ngược xuôi một ngày mưu sinh...
Hội nhóm ở chợ Châu Đốc, thu xếp xe cộ và lịch trình. Mấy cô gái bảo phải ghé qua miếu Bà Chúa Xứ để cầu duyên, rồi lên đỉnh núi Sam xem nước tràn đồng, ngắm kênh Vĩnh Tế và nơi con sông Hậu chảy vào đất Việt. Từ trên núi Sam nhìn về phía Nhà Bàng, con đường thẳng tắp như kẻ chỉ hướng về cửa khẩu Tịnh Biên. Nhìn về phía vùng Bảy Núi, không biết đâu là núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài, đâu là núi Tượng, núi Két, núi Nước và núi Dài Năm Giếng. Và đâu là nơi cánh đồng Tà Pạ xanh màu lúa mới, những hàng thốt nốt vươn mình ngang dọc giữa cánh đồng?
Mọi người ghé rừng tràm Trà Sư sau khi dừng xe ngồi võng thưởng thức ly thốt nốt ngọt lịm, mát lạnh ở một quán nhỏ ven đường. Những cánh đồng xanh, hàng thốt nốt xanh, bầu trời cũng xanh, chỉ có nắng là rót vàng như mật ngọt. Đã ngắm nhìn rừng tràm bao lần qua ảnh mà sao nét đẹp vừa mới mẻ, vừa mộc mạc như đất và người phương Nam vẫn tắm mát tâm hồn những kẻ lãng du.
Chiếc xuồng máy rẽ đám bèo tây đưa khách qua khoảng đầm khi mênh mông bát ngát, lúc lại chằng chịt cây cối. Đám chim nhón chân đi trên tấm thảm bèo, thỉnh thoảng vút lên rồi biến mất trong tầng lá, làm xáo động cả khoảng không đang yên tĩnh. Đến bến đò, chuyển sang đò chèo tay, chiếc thuyền mộc rẽ đám bèo tấm đi vào giữa lạch, hai bên là rừng tràm đang trầm mình trên vùng nước nổi.
Chiều xuống trên cánh đồng Tà Pạ cách thị trấn Tri Tôn hơn 1km. Những chú bò trắng túc tắc băng ngang cánh đồng trở về nhà. Không gian thinh lặng. Bức tranh đồng quê An Giang hiện lên dưới tầm mắt giản dị và thân thuộc đến nao lòng.
Qua cầu Cồn Tiên, theo tỉnh lộ 956 ngược dòng sông Hậu đi về biên giới, nơi có búng Bình Thiên - hồ nước trời khiến bao lãng khách say mê. Xe chạy qua những làng nhỏ nép mình dưới rặng cây, ngoài kia là sông Hậu đang xuôi về với biển. Năm nay nước thấp sẽ có bao nhiêu phù sa, bao nhiêu tôm cá theo dòng về với đồng bào miền Tây? Tôi không biết nữa, chỉ thấy hoa vẫn nở dọc bờ rào, trên mép đường, nở đầy những bồn nhỏ xếp quanh bậu cửa hay treo trên gác mái. Nó tựa một bức họa, phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn tươi tắn của người dân chốn này.
Căn chòi nhỏ trước cửa nhà hai vợ chồng người Chăm Máchly và Asa nằm trên bờ búng, một địa điểm khá tốt để quan sát vẻ đẹp của cuộc sống trên dòng sông Hậu. Từ làng chăm An Phú ngược lên nữa, chưa đầy nửa giờ là tới cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú), sang bên kia đã là đất Campuchia.
Làng Chăm ngày cuối tuần có đến sáu đám cưới nên trẻ con được nghỉ học kinh Koran nơi thánh đường An Phú. Chỉ có cánh đàn ông vẫn đều đặn đi lễ buổi trưa, nghi lễ mà Máchly nói một ngày phải cúng năm lần, ai bận không đến thánh đường được thì phải cúng ở nhà. Lớp học Chăm vắng bóng bọn trẻ. Giá sách lặng yên. Cuốn kinh cũ im lìm trên bàn học, bảng đen vẫn còn nét phấn ngày hôm qua chưa xóa. Bạn tôi ngồi xuống sàn, nắng tràn vào căn phòng qua khe gỗ, như cố tìm và giữ cho riêng mình những bóng áo choàng còn vương vấn đâu đây.
Hoàng hôn buông màu trên dòng sông Hậu. Làng bè lấp loáng trong ráng chiều. Mấy cô gái Chăm đang tắm bên cây cầu dẫn vào làng Đa Phước. Một chiếc đò ngang vội vã rẽ nước trở về nhà. Cuộc sống vùng sông nước như mở ra ngút ngàn tận phía chân trời, mênh mông và hư ảo, muốn nắm lấy, muốn giữ chặt lấy mà dường như không thể. Tất cả đang theo sông Hậu xuôi dòng ra biển Đông.
Chú lái đò Năm Chuol đón chúng tôi lên bè nhà ở ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, mời chúng tôi ăn cơm trắng, cá chiên, canh chua nấu me với dọc mùng và khóm. Bạn bảo đâu cần đi xa nữa, miền Tây là đây chứ còn đâu!
Chúng tôi đã không tiếp tục ngược dòng sông Hậu, đi về phía biên giới nơi kênh Vĩnh Tế bắt đầu hành trình của mình. Không ghé nữa những nhà bè cá lồng chen cứng, quẫy nước tung tóe mỗi khi thả xuống cửa bè một đấu đồ ăn.
Nhưng miền Tây đã ở lại sâu trong lòng, ngay từ khi một phụ nữ đạp xe ngang đường ở làng Chăm An Phú ngoái đầu liếc tôi và ngân nga hát: “Bình Thiên gạo trắng nước trong/ Ai đi qua đó lòng không muốn về”...
Du lịch, GO! - Theo Thủy Trần (Dulich Tuoitre), internet