Written By Unknown on Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012 | 15:46

Từ lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chúng tôi thong dong trên con thuyền chạy máy làm một vòng quanh Thung Nai. 

Nằm bên bờ sông Đà có một khu hang động được người dân bản địa ví như động tiên. Đây chính là động Thác Bờ đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2007, và cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình khám phá Thung Nai.

Xưa kia động Thác Bờ từng là nơi trú binh của nghĩa quân Lê Lợi khi lên đây dẹp loạn phương Bắc. Động cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược, xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn.

Nhìn từ xa, dãy núi Chủa chạy dài khoảng 8km, bám lấy lòng hồ thủy điện Hòa Bình trông rất uy nghi hùng vĩ, sừng sững giữa trời. Vào mùa thu, dòng nước sông Đà trong xanh, mềm mại, uốn lượn ven chân núi.

Từ bến thuyền Thung Nai, sau khi du khách rẽ sóng nước ngắm vẻ đẹp của lòng hồ thì sẽ cập bến động Thác Bờ. Tiếp đó du khách đi trên những chiếc cầu phao kết bằng thân cây bương chạy dài gần 100m cho đến tận gần cửa động.

Cửa động Thác Bờ cao đến 30m, rộng khoảng 20m với những khối đá vòm có hình thù rất kỳ quái. Bước qua khỏi cửa động, một cảm giác mát lạnh bao trùm không gian và ngấm vào mọi người.

Ai nấy háo hức đi sâu vào bên trong lòng động 150m để khám phá vẻ đẹp tuyệt sắc, huyền ảo mà trời đất ban tặng cho nơi này. Lòng động Thác Bờ vô cùng gập ghềnh, hiểm trở, nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao, chỗ rộng chỗ hẹp, nơi rộng nhất trên 40m. Động được chia làm ba khu chính:

Khu vực thứ nhất rộng rãi thoáng đãng, vòm trần cao. Khu vực này được bố trí như một phòng chờ với những hàng ghế đá cho du khách ngồi nghỉ chân, thưởng ngoạn lòng động.

Các khối nhũ hai bên vách ở đây rất đặc sắc với những hình thù kỳ quái, gợi mở một thế giới huyền diệu. Chúng không phân bố riêng rẽ mà tạo thành từng cụm lớn khiến ta liên tưởng tới những bức tranh của các trường phái trừu tượng.

Đặc biệt trên vách phía tây, dấu ấn của thời gian trôi qua đã để lại cho chúng ta một khối nhũ lớn mang hình tượng cá chép đang hóa rồng.

Từ khu vực thứ nhất đi vào khu vực thứ hai, du khách phải đi trên một cây cầu nhỏ dài 50m bắc qua hồ nước. Nước không sâu, nhưng trong vắt, để du khách có thể thưởng ngoạn hàng đàn cá đang bơi lội (đó là cá từ sông theo nước đầy vào hang).

Dọc đường đi, du khách sẽ bắt gặp một khối tượng rất kỳ lạ mọc từ nền động và cao tới gần 2m. Từ xa nhìn lại ta ngỡ như đây là một hướng dẫn viên của động đang chỉ đường cho du khách. Băng qua hồ nước, du khách đến khu vực thứ hai của động Thác Bờ.

Cảnh sắc ở đây sẽ làm sững sờ những ai lần đầu đến thăm. Có người đã từng ví nó như một bức tiên cảnh huyền ảo và kỳ vĩ nhất mà thiên nhiên đã ưu ái cho mảnh đất này. 

Bao sự ly kỳ, diễm lệ của động đều ẩn chứa bên trong: Cả rừng nhũ đá đua nhau mọc lên, vươn xuống, với những hình thù thật kỳ lạ. Giữa động có một cột nhũ đá rất lớn, cao trên 10m.

Nhiều du khách vô cùng thích thú tiến đến bên cột nhũ đá này để chiêm ngưỡng và nhìn nó đã có người ví như một li kem khổng lồ. Xung quanh là tầng tầng lớp lớp các cột đá nhỏ mọc chen chúc…

Ngẩng đầu nhìn lên ta bắt gặp một vòm trần lô nhô căng chật hàng trăm, hàng ngàn khối nhũ đá rủ xuống, chỗ thì trắng xóa, lóng lánh bầu thon như những viên ngọc, chỗ thì vàng óng tỏa ra như một rừng hoa, chỗ thì rực rỡ như một phòng đèn hoa trang trí, chỗ thì sắc cạnh như lớp lớp san hô hay như những bụi xương rồng. Các khối nhũ đá mang những hình thù kỳ lạ, đường nét uyển chuyển, mềm mại…

Khu vực thứ ba của động nằm cao hơn khu vực thứ hai tới hơn 40m, đường lên cheo leo, ngoằn ngoèo hơi khó đi.

Khu vực này là một vòm động rất rộng, trần cao chừng 30m, chiều rộng tới 25m, không khí ở đây vô cùng thoáng đãng mát lành nên được dành làm nơi thờ Phật: Các cột đá mọc lên từ những nền hang như những tượng Phật. Bàn thờ Phật được bố trí khá ngăn nắp, các tượng Phật tọa lạc từ thấp đến cao…

Du lịch, GO! - Theo DoanhnhanSaigon