***
Từ ngày bé, tôi đã nghĩ là bố không yêu tôi.
Sau khi cưới nhau 4 năm, bố mẹ tôi mới có con, chị gái tôi lúc đó được sinh ra trong sự âu yếm của mẹ nhưng suýt chút nữa đã vượt qua giới hạn sức chịu đựng của gia đình bên nội. Hai năm sau đó, mẹ lại mang thai tôi, với hi vọng sẽ là một cậu con trai kháu khỉnh "nối dõi tông đường". Nhưng trớ trêu thay, ngược lại với sức quẫy đạp trong bụng mẹ, tôi chỉ là một "Thị Nở" thứ hai.
Ngày mẹ lâm bồn, bố từ cơ quan vội vã vào bệnh viện, khi đến nơi đã nhìn thấy bác gái với giọng nói lãnh đạm: "Mày về lấy ít quần áo và khăn cho vợ". Thái độ của tất cả đã cho thấy, sự ra đời của cô con gái thứ hai – là tôi – không được chào đón đến mức nào.
Nhà tôi không giàu, có thể nói là tương đối chật vất để mưu sinh. Bố mẹ tôi đều là công nhân, quanh năm mẹ bị đau lưng, còn bố bị bệnh dạ dày do ăn uống không được điều độ.
Hồi bé, nào tôi có biết gì, chỉ biết làm phiền lòng bố mẹ. Ngã từ trên cầu thang xuống, đuổi bắt nhau đập đầu vào tường khiến trán nổi hẳn một quả ổi, bị bệnh thủy đậu lây sang cả chị,... tôi mang đến không biết bao nhiêu nỗi lo lắng cho cả nhà. Tôi hay bị ngứa tai, nửa đêm hay quấy khóc, khiến cho giấc ngủ sau những giờ làm việc căng thẳng của bố cũng không được yên, không khỏi khiến ông khó chịu và bực bội. Có lần giận quá, bố cầm roi đánh đét vào mông, khiến tôi vừa đau vừa căm ghét bố. Đi khám ở bệnh viện mới biết, hóa ra tôi bị viêm tai giữa.
Bố lại phải lóc cóc đi xe đạp chở tôi hàng ngày đến điều trị, tốn không biết bao nhiêu tiền của và thời gian. Tôi nghĩ chắc hẳn bố phải ghét tôi lắm, chỉ toàn gây ra phiền phức, nhưng bố chẳng nói một câu nào, chỉ thỉnh thoảng thở dài nao núng.
Bố tôi là trụ cột của gia đình, "đẹp trai nhất nhà", nhưng vì không thể đem lại cho ba mẹ con một cuộc sống dư dả sung túc, nên dường như ông cảm thấy "tự ti" với gia đình bên ngoại. Mẹ tôi là công nhân, nhưng những cô cậu em họ của mẹ đều rất thành đạt, có người còn được ra nước ngoài thường xuyên như đi chợ. Tôi tủi thân lắm, cứ mỗi dịp giao thừa, đến chúc Tết họ hàng, nhìn mọi người xúng xính trong quần áo đẹp, ai ai cũng nền nã trắng trẻo, chị em tôi đều lặng lẽ thổn thức.
Những ngày ấy, bố thường vắng mặt, lấy lý do là ở nhà trông nhà, chứ ai lại để "vườn không nhà trống" trong dịp năm hết Tết đến. Thi thoảng, trong bữa cơm, có vài chú bác hỏi bố tôi đâu, rồi trách bố không tôn trọng cả gia đình. Mẹ chỉ biết cười xòa, còn tôi cắm đầu vào bát cơm, tủi thân vô hạn.
Lớn lên, khi dần hiểu biết và cảm nhận, tôi thấy thương bố mẹ vô cùng, nhưng không biết làm cách nào để khiến cả nhà vui lòng ngoài việc gắng sức học thật giỏi.
Lên lớp Sáu, tôi đạt giải Ba học sinh giỏi cấp quận môn Ngữ văn, khi về nhà khoe trong tâm trạng phấn khích, cả mẹ và bà ngoại đều vô cùng tự hào, duy chỉ có bố tôi vẫn chẳng nói một lời nào, chỉ chăm chú đọc tờ báo trên tay. Tôi buồn tiu nghỉu, vẫn không nghĩ ra làm cách nào để có thể thấy bố vì tôi mà vui một lần.
Lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín, tôi đều đoạt giải, nhưng đến khi được thi đến vòng cấp Thành phố, danh sách trúng giải đã không có tên tôi.
Mẹ lên tiếng an ủi, bà buồn ra mặt, rồi đến khi tôi bước vào phòng, nghe thấy tiếng bố tôi nói: "Khả năng của nó chỉ được đến đó thôi, hi vọng làm gì ...", mọi thứ trong tôi vỡ òa, nát vụn. Mọi công sức tôi cố gắng dường như chẳng là gì đối với bố.
Trong mắt ông, có lẽ tôi phải là một thằng con trai mới có thể khiến bố hài lòng ...
***
Trải qua những năm tháng Trung học, tôi bước vào kỳ thi Đại học đầy cam go thử thách. Áp lực học hành thi cử khiến tôi thường xuyên bị căng thẳng, hay cáu gắt bực bội. Mẹ ra sức chiều tôi, nấu những món tôi thích, động viên rằng tôi nhất định sẽ đỗ Đại học.
Lời nói của mẹ không những khiến tôi được an lòng, mà thậm chí còn thêm phần lo sợ. Trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, thi thoảng câu nói của bố vẫn vang vọng trong trí nhớ tôi: "Khả năng của nó chỉ được đến đó ...". Đôi lúc, khi không thể giải được một bài toán khó, tôi ức chế đến ứa nước mắt, gục mặt xuống bàn và đay nghiến về "khả năng có hạn" của mình.
Thế rồi cuối cùng, sau bao ngày tháng thi cử rồi chờ đợi ròng rã miệt mài, tôi cũng đã đỗ Đại học. Ngày mang giấy trúng tuyển về, mẹ và bà vỗ tay nhiệt liệt, thay phiên nhau bàn kế hoạch tổ chức bữa cơm tối linh đình, còn bố, với phong thái từ xưa đến nay, vẫn ôn tồn chăm chú vào tờ báo trên tay.
Tôi im lặng, trong lòng vẫn ngổn ngang suy nghĩ: "Có lẽ bố nghe tin tôi là con trai sẽ vui hơn gấp bội hơn việc tôi đã đỗ Đại học".
Nhưng rồi hôm sau, khi đang ở tầng hai dọn dẹp, bố có khách đến chơi. Tim tôi gần như vỡ òa ra khi nghe thấy bố nói: "Hôm qua con gái tôi đỗ Đại học đấy, từ nay về sau cả nhà nhờ vào nó được rồi".
Tôi đứng phỗng trên cầu thang, tay vẫn cầm chổi mà mắt đã nhòa đi từ lúc nào. Vậy ư, vậy là bố cũng đã rất vui mừng và tự hào khi tôi đã đỗ Đại học ư? Có phải chăng đây mới thực sự là người bố của tôi, ông luôn ôn tồn che giấu cảm xúc, nhưng chưa bao giờ hết kỳ vọng và tin tưởng vào tôi ...
Có lần, sang phòng bà ngoại nằm ngủ, bà nhẹ nhàng nói với tôi: "Bố cháu là trụ cột của gia đình, nhưng lại không thể mang đến cho vợ con một cuộc sống sung túc khá giả như người ta, nên lúc nào cũng có cảm giác tự ti, thấy mình kém cỏi. Lòng tự ái của đàn ông cao lắm cháu ạ. Mặc dù việc bố cháu chẳng bao giờ xuất hiện trước nhà ngoại bị nhiều người coi là trốn tránh, mặc cảm, nhưng điều đó khiến cho bố cháu nhẹ nhõm, thoải mái, thì cả bà và mẹ đều không phản đối".
Tôi hỏi bà có phải bố đã từng có lần chê tôi không có khả năng không, thì bỗng dưng bà cốc vào trán tôi một cái, cười nói: "Cha bố cô, ý bố cháu không phải thế. Bố chỉ muốn giảm bớt gánh nặng tinh thần cho cháu thôi. Trước đó mấy hôm bố từng nói với bà, nếu cháu không đạt giải thành phố thì cũng đừng buồn, trên đời nhiều người tài giỏi lắm, miễn sao cháu học hành tử tế, khôn lớn nên người là được" ...
Tôi nghe từng lời bà nói, chỉ biết im lặng, vội giấu đi những giọt nước mắt xúc động. Hóa ra, tôi đã hiểu lầm bố, đã nghĩ rằng bố không yêu thương tôi, tôi đã nhầm, nhầm thật rồi. Bố tôi đấy, trụ cột của cả nhà, không muốn gặp gỡ gia đình bên ngoại vì sự tự ti của một người đàn ông chẳng thể mang lại một cuộc sống dư dả cho vợ con, với gương mặt dường như lúc nào cũng lạnh lùng, lãnh đạm, nhưng thực trong tim thì sống hết thảy cho gia đình ...
Có những điều, không cần phải nói ra ... Có những yêu thương, không cần phải bộc lộ bằng lời nói ...
Bích Hiền