Đoạn giao cắt giữa đường sắt với ngõ 298 đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) được gán cho cái tên mới nghe đã thấy rùng mình “ngõ xay thịt”.
Ám ảnh về “dớp”
Nhiều người dân thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) mỗi khi nói đến đoạn giao cắt đường sắt ngõ 298 Ngọc Hồi đều không khỏi bàng hoàng vì bị ám ảnh bởi những vụ tai nạn giao thông khủng khiếp.
Từ lâu, người dân đã gọi nơi đây là “ngõ xay thịt” bởi số lượng những vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều và liên tiếp, rất nhiều người đã tử vong tại đây.
Ngõ 298 đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) được người dân gọi là "ngõ xay thịt" vì thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông chết người do tàu hỏa gây ra.
Ông Phạm Văn Điền, 60 tuổi, làm nghề cắt tóc gần đoạn giao cắt ngõ 298 Ngọc Hồi với đường sắt cho biết:
“Tôi làm nghề cắt tóc ở đây đã được 20 năm. Những vụ tai nạn giao thông ở đây gần như tôi là người chứng kiến đầu tiên, nhiều vụ tôi còn gọi điện báo cho cảnh sát giao thông.
Ở đây tai nạn xảy ra khá thường xuyên, chỉ từ đầu năm 2012 đến nay, ở đây đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người. Nó như là cái “dớp” ấy”.
Ngõ 298 Ngọc Hồi với điểm giao cắt ngang đường sắt này là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người.
Cũng theo ông Điền, mới đây nhất, một vụ tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 10 giờ 30 ngày 24/12 khiến một nam thanh niên quê ở Nghệ An tử vong tại chỗ. Người thanh niên này đi xe máy sang đường để rút tiền từ máy ATM, lúc quay trở ra thì cũng là lúc xuất hiện tàu hỏa đang chạy theo hướng về ga Hà Nội, lúc tàu còn cách khoảng 20m, người thanh niên này vẫn cố gắng băng qua nên xảy ra vụ tai nạn thương tâm.
Mỗi năm, tại điểm giao cắt này xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người.
Những vụ tai nạn giao thông chết người liên tiếp xảy ra khiến người dân không khỏi bàng hoàng, lo sợ. Mỗi khi đi qua đây nhìn những chiếc bát hương đặt bên vệ đường không ai là không thấy rợn người. Nhiều người mỗi khi có việc sang đường không dám đi qua đây mà vòng xe đi bằng lối khác dù có xa hơn hàng cây số.
Bà Mai Thị Thông (người dân thôn Yên Ngưu), bán trà đá gần đoạn đường giao cắt hay xảy ra tai nạn giao thông chỉ vào mấy chiếc bát hương đang nghi ngút khói:
“Cách đây mấy tháng, có một thầy cúng vào cúng cho người trong làng, nghe kể chuyện tai nạn xảy ra liên tiếp ở đây, thầy bảo: Ở đây có nhiều oan hồn, phải đặt hình nhân thế mạng và đặt bát hương thờ thì mới mong giảm được tai nạn chết người.
Thế là mấy nhà gần đấy đem bát hương ra đặt để thờ, lại còn mua một ma-nơ-canh ở trong shop quần áo đem ra đặt ở đấy rồi đội mũ bảo hiểm lên để làm hình nhân thế mạng. Bởi vậy, mỗi khi đi qua đoạn này, nhiều người nhìn vào cứ thấy ghê ghê”.
Chết người vì thiếu… barie
Tuy nhiên, dù đã lập ban thờ, đặt hình nhân thế mạng theo “lời phán” của vị thầy cúng nọ nhưng số lượng các vụ tai nạn giao thông tại ngõ 298 Ngọc Hồi vẫn không hề giảm, những vụ tai nạn chết người vẫn liên tục xảy ra.
Theo quan sát, điểm giao cắt giữa ngõ 298 Ngọc Hồi với đường sắt Bắc - Nam không hề có trạm gác, đèn báo hiệu hay thanh chắn barie.
Theo quan sát của PV, suốt dọc tuyến đường Ngọc Hồi – Giải Phóng dài 5 – 6km có rất nhiều điểm giao cắt giữa đường ngang nối với các khu dân cư với đường sắt Bắc – Nam. Hầu hết tại các điểm giao cắt này, ngoài đèn báo hiệu còn có các trạm gác và barie ngăn cách để hạ xuống mỗi khi có tàu hỏa chạy qua.
Bởi thế, dù người dân có lập ban thờ lẫn hình nhân "thế mạng" theo lời "phán truyền" của thầy cúng ở đây thì các tai nạn giao thông dẫn đến chết người vẫn xảy ra như cơm bữa.
Tuy nhiên tại điểm giao cắt đường sắt với ngõ 298 Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì không hề có bất kỳ một trạm gác hay barie nào.
Bà Đỗ Thị Lan (54 tuổi, trú tại thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp) bày tỏ:“Ngõ 298 Ngọc Hồi là một trong những tuyến đường chính của thôn Yên Ngưu. Nhiều người vì do vội hoặc chủ quan, cố gắng vượt qua đường trong lúc tàu chạy nên xảy ra tai nạn. Nhiều vụ tai nạn thương tâm lắm.
Có lần, có cô bé là sinh viên vì đi học muộn nên vội vàng băng qua đường sắt để kịp bắt xe buýt bên kia, cùng lúc tàu hỏa đang chạy qua, thế là xảy ra tai nạn. Cô sinh viên may mắn thoát chết nhưng một chân bị cán nát, phải chịu cảnh tật nguyền suốt cả đời…”
“Nếu như ở đây có trạm gác và thanh chắn thì các phương tiện giao thông sẽ phải dừng lại để chờ tàu chạy qua thì đâu có những vụ tai nạn đáng tiếc như trên.
Mỗi khi sắp có tàu hỏa chạy qua thì cứ bật đèn đỏ, hú còi báo hiệu và hạ thanh chắn barie xuống, ai còn qua nữa.
Chỉ thiếu cái barie với cái trạm gác mà chết biết bao nhiêu người. Tôi thật chẳng hiểu người ta quy hoạch, quản lý giao thông kiểu gì nữa”, bà Lan bức xúc.
Hiện nay Hà Nội đang là địa bàn “nóng” nhất cả nước về số lượng và số người chết vì tai nạn giao thông trên các trục đường ngang giao cắt với đường sắt.
Theo thống kê, chỉ tính 15 km đường sắt trên tuyến Bắc - Nam từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê (Thanh Trì) có tới hơn 300 đường ngang hợp pháp và bất hợp pháp.
Trong năm 2011, trên 15km này xảy ra 31 vụ tau nạn giao thông, làm chết 12 người và bị thương 20 người. Đó là những vụ tai nạn thống kê được nhờ người dân báo đến cơ quan chức năng, còn con số thực về các vụ tai nạn giao thông không được thống kê còn cao hơn nhiều.