Home » » Sinh viên năm 3 và những nỗi lo

Sinh viên năm 3 và những nỗi lo

Written By Unknown on Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012 | 19:18


Không còn thảnh thơi như sinh viên năm nhất, năm hai; sang năm 3 đại học không ít bạn quay cuồng trong bài vở, làm thêm, sốt sắng chuẩn bị định hướng công việc tương lai...

Nếu như sinh viên năm cuối với nỗi lo việc làm đang cận kề thì năm 3 đại học được coi là giai đoạn giao thời. Kết thúc 2 năm học đại cương vô âu vô lo, lên năm 3, bắt đầu học chuyên ngành, ý thức hơn về việc học của mình, không ít các bạn sinh viên hoang mang.
Sinh viên năm 3 - là bài vở ngập đầu
 
Hầu hết mọi người đều xác nhận rằng, năm 3 đại học là năm học căng thẳng nhất, bài vở thì nhiều thôi rồi. Sang năm 3 cũng có nghĩa là bạn đã bắt đầu học chuyên ngành, và bài tập không đơn giản chỉ là copy-paste như những môn đại cương. Kiên thức chuyên ngành rất khó, đòi hỏi tư duy cao. 
 
Sinh viên năm 3 - bài vở ngập đầu
 
Năm 3 là năm chiếm số học trình (tín chỉ) nhiều nhất. Sang năm cuối phần lớn thời gian dành cho thực tập, và hoàn thành nốt những môn học trong chương trình thôi. Ai cũng thấy kiến thức năm 3 có tính chất quyết định nhất. 
 
Điểm số cũng là vấn đề đáng lo với sinh viên năm 3, hết năm ba là bạn đã đi gần hết quãng đường đại học rồi. Hầu như mọi vấn đề quyết định tấm bằng của bạn đều nằm ở năm học này.
 
Chẳng có gì xa lạ khi vừa bước vào lớp, thầy cô đều thấy sinh viên thất thểu vì mệt mỏi. Thủy cô bạn sinh viên năm 3 ngành Thông tin đối ngoại - Học viện Báo chí than vãn rằng: “ Kì này bọn mình phải học 7 môn, 2 môn tiếng anh chuyên ngành, 3 môn chuyên ngành quan hệ quốc tế, 2 môn cơ sở ngành báo chí. Lịch thi thì gấp gáp, các môn thì nặng về kiến thức, và hầu như hôm nào cũng có bài tập nhóm, bài tập lớn. Cứ đến lớp là cả lớp lại xôn xao hỏi chuyện bài tập nhóm, thậm chí bọn mình còn nhầm nhóm học tập vì quá nhiều môn, mỗi môn một cách chia nhóm…”
 
Bài tập quá nhiều
 
Sang năm 3 rồi, không còn những cuộc tụ tập bạn bè bất chợt nữa. Không phải là vì suốt 2 năm lên Hà Nội học các bạn đã có cơ hội khám phá những địa điểm vui chơi, thăm thú của thủ đô mà là vì duy nhất một chữ…BẬN. 
 
Hà - Học viện Tài Chính vốn là bí thư chi đoàn năm cấp 3, nhiều lần muốn lên lịch về thăm thầy cô và hỏi ý kiến các bạn thì đều nhận được những tin nhăn reply như sau: “Ôi, tao bận lắm, dạo này bài vở ngập đầu ý”, “tao đang thi mày ạ!”, “Hay để dịp khác đi bí thư”. Những cuộc vui cũng thưa dần và, có chăng chỉ là những cuộc gặp mặt ít ỏi của những người bạn thân. Và chủ đề không còn xoay quanh những mới lạ của cuộc đời sinh viên nữa mà là những than vãn bài vở, lo lắng việc làm sau này.
 
Những cuộc tụ tập ít dần
 
Là…hoang mang cực độ
 
Hoang mang là điều tất nhiên khi mà các bạn đã quá quen với cách học những môn đại cương từ 2 năm trước, bắt đầu một lối học tư duy cao sẽ khiến không ít bạn thấy khó khăn. Hơn nữa, sang năm 3 rất nhiều bạn hoang mang về ngành học của mình, có bạn cảm thấy mình không hợp với chuyên ngành mà mình theo học nhưng lựa chon một con đường khác là quá khó.
 
Phạm Thảo - cô bạn học ngành Quan hệ quốc tế vô cùng ngỡ ngàng trước list những môn học đòi hỏi trình độ tiếng anh cao, trong khi cô bạn vốn là dân khối C gốc nên kiến thức tiếng anh hạn chế. Thảo còn cho biết: “ Do năm ấy khoa mình tuyển sinh 2 khối C,D nên mình đăng kí thi, giờ đây rất nhiều bạn khối C như mình lo sợ trước việc học ngoại ngữ chuyên ngành. Giờ tiếng anh với mình thực sự khó khăn. Cố gắng bù lỗ hổng kiến thức không biết có theo kịp các bạn không nữa.”
 
Sinh viên năm 3 hoang mang lo lắng
 
Hoang mang cũng là vì các bạn lo lắng cho việc định hướng nghề nghiệp sau này của mình. Nếu như năm nhất, năm hai các bạn còn thờ ơ trước câu hỏi sau này ra trường sẽ làm gì thì sang năm 3 không thể không bỏ lơ những câu hỏi như thế. Hầu như các bạn bắt đầu phải định hình được công việc sau này của mình. Việc đã khiến nhiều bạn giật mình lo lắng. Những bạn có điều kiện được gia đình định hướng công việc thì không sao nhưng những bạn phải tự tìm lối đi cho mình thì đây là việc khó khăn.
 
Hương Lan – cô bạn đang học năm 3 khoa Ngôn ngữ- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những bạn trẻ như thế. “Từ quê lên Hà Nội học, hầu như bọn mình đều phải tự tìm kiếm công việc sau này của mình. Năm nay mới bắt đầu thấy hoang mang không biết sau khi ra trường mình sẽ ra sao, hết cái thời mơ mộng của năm nhất, năm hai rồi.”
 
Là kiếm việc làm thêm
 
Sinh viên năm 3- tức là bạn cũng đã 20+ rồi, đủ sức chịu trách nhiệm của một công dân thực thụ, có thể nhiều bạn vẫn quen sống trong sự đùm bọc của gia đình nhưng nhiều bạn cũng tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, tự khẳng định với bố mẹ rằng mình đã lớn. 
 
Sinh viên và những việc làm thêm
 
Rất nhiều bạn chọn cho mình công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành học vừa để tự trang trải cho bản thân, nâng cao kinh nghiệm cho công việc sau này, vừa là để tìm kiếm cơ hội việc làm sau này cho bản thân.
 
Huế - SV năm 3 ĐH Ngoại Thương vừa tìm cho mình công việc trợ giảng ở một trung tâm tiếng anh, vừa tích cực đăng kí tham gia làm tình nguyện viên cho các chương trình vì cộng đồng. “ Tham gia các chương trình này, mình vừa học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm sống, tự tin hơn khi giao tiếp mà còn trao dồi được kĩ năng nói tiếng anh, quen biết được nhiều người trẻ thành công và học hỏi họ rất nhiều.”
 
Và lối thoát cho sinh viên năm 3
 
Có người đã nói với tôi rằng đừng nên nuối tiếc về quá khứ, lo lắng quá nhiều cho tương lai. Tương lai bắt đầu từ hiện tại, quá khứ là hiện tại đã trôi qua. Vậy thì tại sao không bắt đầu từ hiện tại để không phải hối tiếc cho quá khứ và lo lắng cho tương lai.
 
Năm 3 đại học là năm học quan trọng nhất quyết định 4 năm đại học của bạn. Hãy cố gắng học tốt các môn chuyên ngành của mình để có một bảng điểm đáng tự hào khi ra trường. Để sau này không phải hối hận “giá như mình cố gắng hơn”. Thật là ý nghĩa khi mình cố gắng hết mình để sau này nhận được kết quả như ý muốn. Cháy hết mình cho một việc gì đó đôi khi lại là một niềm vui nho nhỏ.
 
Ngoài ra bạn cũng nên trau dồi cho mình những kĩ năng sống bằng cách tìm kiếm một công việc làm thêm, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để có thêm nhiều điều bổ ích.
 
Năm 3, bạn cũng có thể mạnh dạn chia sẻ cho bố mẹ những dự định tương lai của mình để bố mẹ đưa ranhững lời khuyên bổ ích. Hãy lắng nghe ý kiến từ phía người lớn nhé vì dù có lớn đến đâu bạn vẫn mãi là những đứa trẻ trong mắt bố mẹ, kinh nghiệm của bố mẹ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích đấy.
Giới trẻ