Home » , , » Người Cống ở Púng Bon

Người Cống ở Púng Bon

Written By Unknown on Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012 | 14:25

Để đến được bản Púng Bon, xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên, chúng tôi phải vượt qua chừng 5 km đường đầy ổ voi, dốc cao và trơn trượt. Sau hơn 2 giờ đồng hồ vật lộn, chúng tôi cũng đã đến được bản.

Đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon có 45 hộ, với 220 nhân khẩu sinh sống. Trên con đường đất chạy dọc bản, có vô số giàn phơi nông sản, rau củ. Bắp ngô được buộc từng chùm trên những chiếc gậy dài hong nắng khắp các ngả đường trong bản, ngô hiện diện trên cả góc bếp, hiên nhà, lan can... của từng gia đình.

Dân tộc Cống được xếp vào danh sách dân tộc rất ít người của Việt Nam. Người Cống còn có tên gọi khác Xắm Khống, Mông Nhé, Xá Xeng cũng là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến cư trú chủ yếu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và khu vực ven sông Đà. Tại tỉnh Điện Biên hiện có hơn 180 hộ đồng bào dân tộc Cống, với 920 nhân khẩu, cư trú tại 4 bản của 2 huyện Điện Biên và Mường Nhé.

Mỗi họ của người Cống có một trưởng họ, có chung một kiêng cữ, có chung quy định về chỗ đặt bàn thờ tổ tiên và cách cúng bái. Trong từng gia đình, người chồng, người cha giữ vai trò đứng đầu, khi người cha chết thì con trai cả thay thế.

Trước kia chỉ trai gái người Cống mới lấy nhau, nay đã có một số dâu rể là người Thái, Hà Nhì... Theo phong tục Cống, người cùng họ phải cách nhau bảy đời mới được lấy nhau. Việc cưới xin do nhà trai chủ động. Sau lễ dạm hỏi, chàng trai bắt đầu ở rể vài năm, còn cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu đã có chồng. Thường họ sinh vài đứa con mới cưới. Nhà trai phải có bạc trắng làm lễ cưới nộp cho nhà gái, còn nhà gái phải cho của hồi môn để cô dâu đem về nhà chồng. Ít ngày sau lễ đón dâu, đôi vợ chồng mới đến nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt.

Nằm trong nhóm dân tộc "ăn theo nước" bản người Cống (xã Mường Mô, huyện Mường Tè, Lai Châu) thường nằm bên bờ suối. Cuộc sống mỗi ngày của các gia đình gắn chặt với cái bến nước. Gạo từ cối giã gạo nước, rau từ vườn ven suối, cá cũng từ suối…

Trong các gia đình thường không có bể chứa nước, sáng chiều những phụ nữ ra suối lấy nước bằng ống bương. Cuộc sống nhẹ nhàng và thanh bình như dòng nước trong chảy qua bản và bến nước mỗi buổi chiều là nơi tập hợp tất cả mọi người.

Nhà ở của người Cống thường là 2 tầng, làm bằng gỗ, mái lợp bằng ngói hoặc tấm lợp xi măng nhưng quy mô nhỏ hơn người Thái. Điều khác biệt với nhà người Thái là tầng dưới nhà người Cống lại được quây kín bằng thưng ván thành không gian sinh hoạt chính.

Trước kia, các bản Púng Bon, Huổi Moi, Bom En đều là một bản có tên Pa Pum, từ năm 2000, sau khi chia tách, bản Pa Pum không còn nữa, Púng Bon trở thành một bản riêng biệt.

Kinh tế bản Púng Bon lúc ấy khó khăn lắm, tuy đã có bản nhưng người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, phụ thuộc vào rừng, có người còn mang theo cả vợ, con cái lên ở hẳn trên nương, trên núi. Đa phần, người dân làm nương sống ở rừng, ở núi cả một mùa rẫy mới về nhà một lần.

Hiện nay bà con đã đủ ăn, đủ mặc, nhà cửa đã kiên cố rồi, đời sống dần dần cũng khá lên. Các cháu đến tuổi đi học đều được cha mẹ mua sắm sách vở, quần áo cho đến lớp... So với hơn 10 năm trước, Púng Bon giờ đã thay đổi nhiều. Đồng bào dân tộc Cống giờ đã biết “xuống núi” khai hoang, gieo trồng lúa ruộng, dần từ bỏ lối canh tác tra hạt, “gieo bay” trên núi cao như trước kia.

Sau nhiều năm vất vả, bỏ công sức khai hoang, hiện cả bản đã có gần 10 ha lúa nước, trên 20 ha lúa nương, gần 10 ha cây có bột... đưa sản lượng lương thực bình quân của cả bản lên hơn 300 kg/người/năm. Nắm bắt được những kiến thức, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, người Cống ở Púng Bon đã biết trồng cây ăn quả trong vườn, chăn nuôi gia súc để tăng thêm thu nhập, lấy sức kéo.

Năm 2005, điện lưới quốc gia được đưa về, cả bản Púng Bon đã thật sự bừng sáng, nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên. Có điện, dân bản cũng nắm bắt các thông tin dễ hơn. Trẻ em có ánh sáng để học tập. Bản đã có 3 người đi học THPT ở ngoài thành phố. Nhờ có ti vi, nhiều người học được cách làm kinh tế thoát nghèo, mua sắm những vật dụng có giá trị mà trước đây người dân bản mình hằng mơ ước.

Du lịch, GO! - Tổng hợp