Du khách thường leo đỉnh Tam Đảo từ hướng Vĩnh Phúc để được đắm mình vào xứ sở sương mù, ít ai biết ở phía sườn bên kia của dãy Tam Đảo hùng vĩ cũng là những cảnh đẹp tuyệt vời.
Nhóm chúng tôi đã có một hành trình khám phá bằng đôi chân trần đầy thú vị, men theo dòng suối trong vắt chảy róc rách qua những tảng đá kỳ ảo thuộc địa bàn huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Rời xa Hà Nội gần 100km, từ thị trấn Ba Hàng (huyện Phổ Yên) trên Quốc lộ 3, rẽ vào con đường nhựa nhỏ chạy men theo vùng rừng núi xanh thẳm thêm 30km, du khách sẽ đến chân hồ Gò Miếu. Chỉ cần 100.000đ tiền thuê thuyền, cả nhóm năm, sáu người đã có thể bắt đầu chuyến khám phá lòng hồ Gò Miếu.
< Đỉnh Tam Đảo.
Hồ Gò Miếu được ví như một cái máng khổng lồ để chứa nước từ hàng chục con suối, thác chảy róc rách từ đỉnh Tam Đảo xuống. Nước hồ bốn mùa đều trong xanh như một bức tranh thủy mặc tuyệt sắc. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy những đám mây trắng bay qua rất thấp mà ai cũng ngỡ như thuyền mình sắp đi xuyên qua. Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt hồ từ từ đưa chúng tôi vào một hẻm núi.
Giữa màu xanh của núi rừng, dòng suối róc rách chảy ra. Lần lần hiện ra trước mắt chúng tôi là những bãi đá với hình thù và màu sắc đa dạng. Đang giữa mùa hè oi ả nhưng khi đến suối đá dưới chân Tam Đảo này ai nấy đều cảm thấy se se lạnh. Càng ngược về phía thượng nguồn, chúng tôi như càng bị lạc vào một ma trận đá kỳ ảo.
Có những tảng đá nằm chắn giữa dòng suối, đồ sộ như một chiếc ôtô tải hạng nặng. Có vài hòn đá lại mượt mà, thướt tha như hình nàng tiên cá đang sưởi ấm trong nắng hè. Cô bạn đi trong đoàn chúng tôi còn phát hiện ra một tảng đá có hình thù như chú gấu bông khổng lồ.
Sau quãng đường vài trăm mét khá gian nan, chúng tôi bắt đầu lạc vào xứ sở của ma trận đá thực sự, cùng tiếng suối reo, chim hót vui tai. Ấn tượng nhất là khi hòa mình vào khu vực bãi đá mà anh bạn người địa phương giới thiệu rằng nó có cái tên cầu Nồi Đồng. Nơi đây là một hồ nước nhỏ trong vắt được bao quanh bởi loại đá kỳ lạ có màu vàng xám giống hệt màu đồng thau. Bên cạnh hồ nước là cây si cổ thụ tọa lạc trên tảng đá khổng lồ to bằng mấy gian nhà.
< Du khách tham gia bắt cá.
Tiếp đó là những địa điểm có tên Bãi Cối, Đá Cọc. Sở dĩ nó được người dân đặt tên như vậy vì xung quanh khu vực này có hàng trăm khối đá nhọn hoắt như những chiếc cọc đâm thẳng lên trời. Sau vài cây số đường suối qua những bãi đá kỳ ảo, mọi người có thể hòa mình vào dòng nước trong vắt để tận hưởng cảm giác như được đi spa miễn phí.
Sau chuyến khám phá suối đá, nếu du khách muốn ở lại dùng bữa trưa hoặc nghỉ lại qua đêm thì có thể thuê một nhà dân ở gần khu hồ Gò Miếu. Giá thuê phòng ở đây vừa rẻ, lại vừa an toàn và đặc biệt lại có cơ hội được thưởng thức món cá suối nướng thơm ngon, lạ miệng.
< Thuyền chở du khách dần dần tiến vào hẻm núi.
Sau khi khám phá ma trận đá, chúng tôi đã theo chân vài chàng trai người Đại Từ, Thái Nguyên đi bắt cá suối. Ở những máng nước sâu, trong vắt thường có một số loại cá sinh sống.
Hai chàng trai người bản địa đã căng lưới dưới làn nước trong vắt để chờ từng con cá sộp bụng trắng, vây đỏ (nhiều nơi gọi là cá bống), cá chày mắt đỏ, lưng đen chui vào. Chốc chốc, những con cá nho nhỏ lại bị lọt lưới và nằm gọn trong giỏ.
Cá suối ở đây chỉ to bằng hai ngón tay, nhưng những ai đã từng ăn đều khen rằng khi nướng lên sẽ có vị rất ngon, thơm và chắc thịt, không như cá nuôi trong ao, hồ.
Du lịch, GO! - Theo Doanh Nhân Sàigòn